Tin tức

Borobudur – Kỳ quan Phật Giáo cổ trên đỉnh đồi

Nói đến Indonesia, người ta thường nhắc đến Bali như một mặc định, nhưng nếu có dịp đến với đất nước Hồi giáo này, đừng quên ghé thăm Borobudur để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc Phật giáo thuộc hàng lớn và kỳ vĩ nhất thế giới. 

Kỳ quan từng bị chôn vùi
Có họa sĩ đã ví Borobudur như đóa sen rực rỡ nổi giữa lòng hồ. Điều ấy quả không ngoa khi Borobudur có kiến trúc, hình dáng và cảnh quan khác xa những đền thờ truyền thống của Indonesia. Công trình này nổi bật giữa ngọn đồi xanh mướt trên vùng đồng bằng Kedu trù phú vốn được bao bọc bởi những dãy núi màu lam tuyệt đẹp. 
 

Cái tên Borobudur có nghĩa là “đền thờ Phật trên ngọn núi”, được người Java đặt một cách đơn giản theo đúng hiện trạng của nó. Cách Yogyakarta (thành phố nằm ở miền trung đảo Java, Indonesia) 42 km về phía tây bắc (40 phút đi xe ô tô hoặc nửa giờ đi xe bus), Borobudur được xây dựng trong khoảng 75 năm từ thế kỷ thứ 8-9 dưới triều đại vua Sailendra sùng đạo Phật. Tầm ảnh hưởng của hoàng gia này kéo dài đến miền đông Ấn Độ. Sau khi nổi lên và hưng thịnh, để đánh dấu sự vững mạnh của Phật giáo tại Indonesia vào thời bấy giờ, vua Sailendra đã huy động nhân dân kiến tạo công trình vĩ đại này. Chính bàn tay, khối óc và sức lao động của hàng ngàn người đã mang hơn 2 triệu khối đá từ những con sông lân cận về đến Kedu và sắp đặt thành một công trình 10 tầng kỳ vĩ mà không cần dùng vữa để kết dính các khối đá lại với nhau. Kỹ thuật xây dựng Borobudur đến nay vẫn còn là một bí ẩn lớn. 

Đến thế kỷ thứ 10, khi vương triều Sailendra lụi tàn, cùng lúc vương triều Ấn giáo nổi lên trị vì và Hồi giáo bắt đầu thâm nhập miền trung Java, Borobudur bị lãng quên như bao đền thờ Phật giáo khác. Bên cạnh đó, các miệng núi lửa không ngừng hoạt động khiến cư dân phải bỏ đi nơi khác sinh sống, không ai chăm chút cảnh quan, đồng thời động đất và thiên tai đã biến công trình này nhanh chóng trở thành phế tích. Năm 1814, Sir Stamford Raffles cùng những cộng sự từ châu Âu đã phát hiện những bức phù điêu lấp ló ẩn hiện trong lớp đất dày và cây cối bao phủ. Lập tức, nhà khoa học này cho tiến hành việc dọn dẹp và giải phóng Borobudur khỏi lớp bụi thời gian. Tuy nhiên, việc phục chế một công trình đồ sộ từng bị chôn vùi và đổ nát không hề đơn giản. Trải qua nhiều lần gia cố, phục chế dưới sự chỉ đạo của nhiều nhà nghiên cứu khác, đến năm 1911 công trình này tạm hoàn thành. Tuy nhiên, vào thập niên 1960, Borobudur lại đứng trước nguy cơ sụp đổ do nước ngầm ăn mòn phần chân nền. Năm 1970, dưới sự hướng dẫn và tài trợ của Unesco, đợt trùng tu lớn nhất từ trước đến nay tại Borobudur được thực hiện và kéo dài ròng rã suốt 12 năm với sự tham gia của hơn 600 nhà phục chế từ khắp nơi trên thế giới làm việc toàn thời gian, 6 ngày mỗi tuần, cùng chi phí đầu tư hơn 25 triệu USD. Borobudur được khai sinh lần thứ hai vào ngày 14.2.1983 và được UNESCO công nhận là di sản thế giới. 

Trên đỉnh Borobudur
Nhìn từ trên xuống, có thể nhận thấy Borobudur là biểu chứng hùng hồn cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của Phật giáo về vũ trụ với cấu trúc 2 phần rõ rệt: 3 tầng tròn ở phía trên và 7 tầng vuông ở phía dưới. Những học giả Ấn Độ cho rằng tòa tháp này được thiết kế theo thuyết Tam giới của Phật giáo: 2 tầng đáy là "dục giới", 5 tầng giữa là "sắc giới", 3 tầng trên là "vô sắc giới". 10 tầng của Borobudur tượng trưng cho 10 phẩm hạnh tuyệt đối mà một vị Bồ tát phải hoàn thiện. 

Toàn bộ ngôi đền có chiều cao 42 m, chiều dài mỗi mặt chân đền 123m; nếu đi hết các bậc thang, hành lang để lên đến đỉnh tháp thì bạn đã trải qua quãng đường dài 5 km. Các tường thành ở mỗi tầng được phủ kín bởi 2.672 bức phù điêu, 504 tượng Phật được chạm trổ công phu, mô tả cuộc đời các đức Phật và bồ tát, phác thảo những câu chuyện về thiên đường, địa ngục… Ba tầng tròn ở trên không có tường thành, lan can, tượng trưng cho sự vô biên, xoay vần của vũ trụ cùng với 72 tháp chuông bên trong có 72 tượng Phật ngồi, hướng người tham quan đến trạng thái yên tĩnh tuyệt đối. Ngọn tháp chuông lớn nhất ở ngay vị trí đồng tâm của ngôi đền chính là biểu trưng của sự siêu thoát. Người tham quan khi lên đến 3 tầng tròn thường đưa tay vào trong các mắt cáo của tháp chuông, chỉ để một lần được chạm vào vai tượng Phật, nhắm mắt tưởng thưởng sự bình an tự tại đang có và cầu nguyện cho sức khỏe, an lành của bản thân và gia đình. 

Trên đỉnh ngôi đền cũng là nơi lý tưởng để bạn phóng tầm mắt bao quát cảnh quan xung quanh, ngắm nhìn tấm thảm xanh khổng lồ trải dài trước mặt, hưởng trọn bầu không khí hoàn toàn trong sạch, an bình. Đứng ở phía bắc của đền, bạn có thể nhìn thấy hơi bốc lên từ miệng núi lửa Merapi và ở phía tây lẫn trong đám mây trắng là núi lửa Sumbing còn hoạt động. 

Đường đến tháp Phật 

Vào ngày lễ Phật đản hằng năm, từng đoàn người nối dài lại đến đây hành hương. Đến nay, Borobudur là thắng cảnh thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Indonesia. Năm 2003, dự án xây dựng một tòa thương mại phức hợp 3 tầng tại khu vực này đã bị phản đối kịch liệt và phải dẹp bỏ do nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan chung của công trình. Năm 2006, một trận động đất mạnh 6,2 độ richter xảy ra tại trung Java gây ra những thiệt hại đáng kể cho ngoại ô TP Yogyakarta và vùng này, riêng Borobudur vẫn nguyên vẹn, không hề bị ảnh hưởng. Điều này khiến người ta càng tin tưởng vào sự tồn tại vững bền của nó hàng ngàn năm nữa như lời những nhà khoa học đã tuyên bố trong quá trình phục chế.

Zenflower Travel