Tin tức

Kim Long Sơn – Quan Âm Tự tại Tokyo

Chùa Quan Âm tại Tokyo có tên tiếng Nhật là Senso-ji và thường được gọi là Asakusa Kannon. Đây là ngôi chùa cổ nhất tại Tokyo và là một trong những điểm viếng thăm không thể thiếu khi đến Nhật Bản.

Lịch sử của ngôi chùa bắt đầu kể từ năm 628, lúc bấy giờ kinh đô của Nhật đóng tại Asuka (ngày nay thuộc tỉnh Nara, vùng Kinki của đảo Honshù), mà lúc đó Tokyo chỉ là một vùng cỏ hoang vắng, không một bóng người. Bấy giờ có 2 anh em ngư dân là Hinokuma Hamanari và Takenari đang chài lưới trên dòng sông Sumida, họ bổng nghe có một âm thanh gì rất lạ từ trên không trung khi họ ném lưới xuống dòng sông. Khi họ kéo lưới lên, họ bắt gặp trong lưới của họ là một bảo tượng của Bồ tát Quan Âm bằng vàng ròng.

Khi Hinokuma thuật lại việc này với vị trưởng thôn là Nakatomo, vị trưởng thôn làng Asakusa đã thành tâm tiếp nhận và bày tỏ lòng tôn kính với Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông nguyện xin hiến dâng nhà mình trở thành nơi tôn trí Bảo tượng của Bồ Tát và lập đại nguyện xin tu hành và cúng dường Bồ tát Quán Thế Âm cho đến hết phần đời còn lại. Đây chính là phần sự tích đánh dấu việc ra đời ngôi chùa cổ xưa nhất vùng Tokyo và lịch sử của ngôi chùa Senso-ji.

Năm 645 thiền sư Shokai ghé thăm làng Asakusa và cho xây dựng lại bảo điện phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm là người đặt nền tảng khai sơn chùa Senso-ji. Sau một giấc mơ huyền bí, thiền sư Shokai thấy bảo tượng của Bồ tát Quan Âm biến mất và sau dó thì xuất hiện trở lại ở vị trí cũ của chùa.  Tiếng lành về sự linh ứng của Bồ Tát Quán Thế Âm đồn xa và lan rộng khắp đất nước Nhật Bản và khiến nhiều người đến đây để chiêm bái, cầu nguyện, làm cho ngôi làng Asakusa trở nên sầm uất, thịnh vượng và phát triển thành một nơi đô hội.

Vào giữa thế kỷ thứ 9 thiền sư Ennin (794 – 864), trụ trì chùa Duyên Lịch (Enryaku-ji) ở núi Tỷ Duệ (Hieizan) thuộc Thiên Thai Tông đã đến viếng thăm chùa Senso-ji và cho kiến tạo một bảo tượng bồ tát Quán Thế Âm giống như bảo tượng bồ tát Quán Âm đã biến mất trong thời kỳ thiền sư Shokai và thông báo rằng, bảo tượng này cũng linh ứng như bảo tượng trước đó đã biến mất.

Có thể nói thiền sư Shokai là người khai sơn chùa Senso-ji nhưng người giúp cho chùa phát triển hưng thịnh phải kể đến công lao của ngài Ennin. Không những thế các vị tướng quân trong thời kỳ Kamakura (1192 – 1333) cũng hết lòng ủng hộ và giúp cho sự phát triển của ngôi chùa ngày càng lớn mạnh. Đến thời kỳ Edo (1603 – 1867) chùa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng và giúp cho bá tánh gửi gắm mọi ước nguyện đến với bồ tát. Giai đoạn này là giai đoạn hoàn kim của chùa Sanso-ji. Mỗi năm chùa Sanso-ji đón khoảng 30 triệu người đến viếng thăm, cầu nguyện và là ngôi chùa cổ xưa nhất Tokyo.


 

Bài & ảnh Ths Nguyễn Trung Toàn